Vào vòng loại cuối cùng tranh vé dự World Cup, Thái Lan đã tính đến việc tập trung toàn lực cho sân chơi này, đồng thời không quá xem trọng AFF Cup – giải đấu mà họ là ĐKVĐ.
Ngay khi vượt qua vòng loại thứ 2, Thái Lan đã có những kế hoạch dài hơn để tăng cường sức mạnh cho ĐTQG. Ảnh: Internet. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Huỳnh Trí Thiện, nghiên cứu sinh ngành Quản lý Thể thao tại Thái Lan xung quanh vấn đề này.* PV: Có thông tin cho rằng Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và Kiatisak đang tính đến việc buông AFF Cup để dồn sức cho vòng loại World Cup 2018?
– Huỳnh Trí Thiện: Trả lời phỏng vấn trên một số báo lớn về thể thao ở Thái Lan, FAT đang định hướng tập trung vào các giải đấu chính thức của FIFA và AFC hay đấu giao hữu với những đội mạnh trong “ngày FIFA” với mục tiêu tăng hạng trên bảng xếp hạng FIFA. Thái Lan từng ở vị trí 45 thế giới vào năm 1998. Do đó, tuyên bố không tập trung vào AFF Cup 2016 cũng không quá khó hiểu. Tuy nhiên, theo nhận định chủ quan của tôi thì đó có thể xem là “đòn gió”. Và người Thái được xem như “bậc thầy” về khoản này trong thể thao đỉnh cao. Thời gian từ đây đến AFF Cup vẫn còn dài nên chưa thể nói chính xác chuyện gì.
- Nói vậy, việc Thái Lan xem trọng vòng loại World Cup 2018 là có cơ sở. Theo anh, đâu là động cơ để họ làm việc này?
– Theo tôi nghĩ, FAT vừa mới thay đổi hoàn toàn ở thượng tầng. Một ê-kíp mới với sự dẫn dắt của chủ tịch Somyot Poompunmuang – nguyên Cảnh sát trưởng Hoàng gia Thái Lan, cũng những lãnh đạo cao cấp khác của giới cảnh sát cũng gặp một số áp lực nhất định. Tuy vẫn có những ý kiến về cách điều hành của thời chủ tịch Worawi Makudi, nhưng việc đội tuyển Thái Lan đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2018 phải được nhìn nhận là công sức của nhiệm kỳ FAT trước đây. Tân chủ tịch Somyot muốn thay đổi, và đang thay đổi cách điều hành theo hướng tập trung vào các giải đấu chính thức của FIFA và AFC hay đấu giao hữu với những đội mạnh trong “ngày FIFA” là điều dễ hiểu.
Mới đây, anh Huỳnh Trí Thiện đã sang Việt Nam đưa tin về sự kiện giải bóng chuyền nữ quốc tế. Ảnh: FBNV.Vì ở SEA Games hay AFF Cup, người Thái đã thống trị kể từ năm 2013 và giành được hạng tư ở Asian Games 2014. Ngoài ra, HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Kiatisuk Senamuang tuyên bố là ông luôn mở rộng cửa cho bất cứ ai. Nhưng nếu để ý kỹ, không quá nhiều cầu thủ đáp ứng được lối chơi “Thai tik-tok”, phối hợp nhóm nhỏ nhanh và ít chạm để triển khai tấn công, như lứa học trò ruột mà ông đào tạo từ lúc U19 đến khi vô địch SEA Games 2013, 2015 cũng như AFF Cup 2014.
Ngoài những học trò ruột của HLV Kiatisuk ra, những cầu thủ Thái Lan đang thi đấu cho Thai League, đặc biệt là “thần đồng” Teerathep Winothai, cũng “không phải là dạng vừa đâu” đối với các đội tuyển trong khu vực ASEAN. Họ không lên tuyển vì không phù hợp với lối chơi hiện tại chứ không phải là không đạt chất lượng. Chúng ta nên chuẩn bị tâm lý là sẽ đối đầu với ĐKVĐ AFF Cup Thái Lan bằng một lối chơi khác với “Thai tik-tok” chứ không nên khó chịu với việc người Thái sẽ cử một đội hình không đảm bảo chất lượng đi thi đấu tại giải vô địch khu vực này!
* Ngoài trận giao hữu tại Colombia tháng 6 tới, FAT đã lên kế hoạch như thế nào nhằm giúp Thái Lan chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018?
– Hiện nay, theo phát biểu mới nhất của HLV Kiatisak, đội tuyển chỉ cần “xách balo lên và đi” đối với tập huấn cũng như thi đấu. Mọi việc đã có FAT và Giám đốc kỹ thuật lên kế hoạch. Và kế hoạch đó đã được họp bàn rất chi tiết trong buổi sáng ngày 31/3 giữa FAT, Tiểu ban Kỹ thuật, Công ty Premier League of Thailand (PLT) và HLV Kiatisuk Senamuang. Kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn được đặt ra cho bóng đá Thái Lan, và vẫn đang được xây dựng.
Nhưng điều quan trọng nhất trong kế hoạch ngắn hạn năm 2016 là tập trung vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Trước mỗi lượt đấu thì đội tuyển Thái Lan có 7 ngày chuẩn bị thay vì 3 ngày như trước đây. Đây cũng là một sự hỗ trợ đáng khen ngợi của các CLB bóng đá chuyên nghiệp tại Thái Lan. Về đấu giao hữu, kế hoạch với đội tuyển Colombia vào tháng 6 đã được xác nhận. FAT đang liên hệ với một số đội tuyển mạnh khác. Có vẻ Thái Lan đang đặt mục tiêu xa là tranh “nửa suất” còn lại của châu Á đi đấu với khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF).
* Trong quá khứ, có lần nào bóng đá Thái Lan tập trung cho sân chơi lớn mà lơ là sân chơi nhỏ hay chưa (như ở vòng loại World Cup 2002 – năm Thái Lan cũng vào đến giai đoạn cuối cùng)?
– Tôi không có được thông tin rõ ràng về việc này trước đây. Nhưng với tham vọng của các đội tuyển ở khu vực ASEAN thì giải nào cũng được đánh giá cao mặc dù luôn có những đòn tâm lý đưa ra trước mỗi giải đấu. Và người Thái cũng từng trả giá về “tham vọng” World Cup của họ vào thời điểm những năm 2000 – 2001. Khi không thành công ở vòng loại World Cup 2002 kéo theo sự khủng hoảng về thành tích của đội tuyển cũng như sự phát triển của giải bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan vào những năm 2003 – 2008. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm lớn cho bóng đá Thái Lan!
Kiatisak có tham vọng trở thành HLV thành công nhất trong lịch sử bóng đá Thái Lan. Ảnh: Internet.* World Cup là giấc mơ của người Thái Lan. Theo tôi biết, họ không chỉ nhắm đến vòng loại trước mắt và còn tính đường xa cho 5 hay 10 năm nữa. Vậy trọng tâm trong kế hoạch của họ là gì?
– Như tôi nói ở trên, khi tiếp quản một liên đoàn thể thao mà sản phẩm quan trọng nhất là đội tuyển quốc gia đang có thành tích tốt, thì đó là thuận lợi và cũng là thách thức lớn. LĐBĐ Thái Lan (FAT) đang vào thế buộc phải nâng mục tiêu ra khỏi tầm khu vực ASEAN để tiến đến tầm châu Á. Với tư cách thành viên của ASEAN chúng ta có thể vui vì điều đó nếu khu vực này có đại diện tham dự World Cup. Đối thủ càng mạnh thì chúng ta cần phải cố gắng thật tốt! Kế hoạch trung hạn và dài hạn của người Thái là tập trung vào bóng đá trẻ, lứa U16 hiện nay, để hướng đến World Cup 2026 khi số đội tham dự có thể là cao hơn theo ý tưởng của tân Chủ tịch FIFA Gianni Infantino.
Đầu tư đào tạo trẻ để các đội U17 và U20 Thái Lan có thể tham gia đều đặn ở các VCK U17 và U20 thế giới là cách để tiếp cận World Cup một cách thiết thực. Với sự đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan ở những đội bóng lớn ở châu Âu cũng là cơ hội cho cầu thủ trẻ Thái Lan tập luyện và tìm kiếm cơ hội tại các giải chuyên nghiệp ở châu Âu. Đó là lộ trình mà người Thái đã vạch ra không phải ở thời điểm hiện tại mà từ một thập niên trước đây để phục vụ cho một mục tiêu duy nhất “giấc mơ World Cup” cho bóng đá nam.
Nỗi đau đáu cuối cùng trong bóng đá mà Thái Lan còn thiếu khi họ đã cụ thể hoá ở bóng đá nữ và futsal. Tuy vậy, người Thái cũng hiểu được rằng kết quả không tốt tại khu vực cũng có thể làm mất vị thế của quốc gia nên họ có thể sẽ “âm thầm” tuyển chọn một đội tuyển được xem là “ngôi sao” của giải Premier League Thailand tham dự AFF Cup 2016 với mục tiêu không làm mất uy tín của đội ĐKVĐ. Nói thì dễ nhưng bỏ AFF Cup thì phải chờ đến phút 90.
12 đội giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á gồm: Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, UAE, Australia, Uzbekistan, Qatar, Iraq, Trung Quốc, Thái Lan và Syria. Theo bảng xếp hạng FIFA tháng 3/2016, Thái Lan (hạng 117) chỉ đứng hơn Syria (hạng 123).
AFC sẽ tổ chức bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 3 này vào ngày 12/4 tới. Việc phân chia hạt giống sẽ dựa trên bảng xếp hạng FIFA công bố ngày 7/4/2016. Các trận đấu sẽ diễn ra từ ngày 1/9/2016 đến 5/9/2017. Chắc chắn Thái Lan sẽ chịu ảnh hưởng bởi cuối năm 2016 còn diễn ra AFF Cup – nơi họ là đương kim vô địch. HLV Kiatisak sẽ phải cân nhắc để phân phối lực lượng cho hợp lý.
Đăng lúc: 9:19 01/04/2016