Đến hẹn lại lên, vào mùa EURO hay World Cup các đội bóng ở V-League đều bắt đầu lên những phương án phòng chống hay “trốn” những giải đấu lớn nhất hành tinh này. Và lý do rất đơn giản chính là việc sợ các cầu thủ…hư.
Đắc Khánh đã chôn vùi sự nghiệp của mình vì cá độ.Những tấm gương tày liếp.
Không phải bây giờ, từ nhiều năm trước khi CNTT – truyền hình phát triển ngoài việc được thưởng thức, học hỏi những trận cầu đỉnh cao từ các đồng nghiệp nước ngoài nhiều cầu thủ Việt cũng lấy đó để…”kiếm thêm thu nhập” bằng các hình thức cá độ khác nhau.
Hẳn nhiều người chưa thể quên cựu cầu thủ của SLNA Trương Đắc Khánh sau mùa World Cup 2010 đã “đóng phim” mất tích như thế nào sau khoản tiền thua độ lên tới cả tỷ đồng.
Và đây cũng không phải lần đầu tiên Khánh “khỉ” tán gia bại sản vì trò đỏ đen, khi mà trước đó cựu hậu vệ đầy tiềm năng của bóng đá Việt Nam này cũng “khốn khổ, khốn nạn” sau những trận đấu giữa đêm khuya ở tận trời Tây như thế.
Chính bởi ham đá bóng trên bàn hơn trên sân, Đắc Khánh tự vùi sự nghiệp của mình vào nợ nần bất chấp lần gia hạn hợp đồng, cũng như chuyển sang Ninh Bình của hậu vệ này là không ít tiền.
Khánh “khỉ” đương nhiên không phải là cái tên duy nhất trong làng bóng đá Việt Nam rơi vào cảnh nợ nần, trốn chui trốn nhủi sau những mùa World Cup hay EURO mà còn hàng loạt cái tên khác nữa.
Như mới đây, nhóm cầu thủ cá độ ở CLB Đồng Nai đã phải hầu tòa vì tổ chức đánh bạc và ngoài án dành cho những trận đấu trong khuôn khổ V-League (thời điểm bị bắt) còn có cả những khoản tiền nướng vào các giải ở tận trời Âu để buộc tòa án phải tách riêng ra thành một vụ khác.
Hoặc trong quá khứ, Như Thành hay Công Danh (một cựu cầu thủ của An Giang, HP.HN) cũng phải vất vả trả nợ hay trốn biệt tích sau những giải đấu lớn khi gây ra vô số nợ từ những trận đấu trên bàn như thế.
Đến phương án phòng chống
“Gần như không có phương án nào cả, bởi giờ làm sao mà quản cầu thủ của mình như ngày xưa nữa.” Một HLV đang hành nghề tại V-League cho biết khi được hỏi làm thể nào để phòng chống cầu thủ hư sau mỗi mùa EURO, World Cup.
Không có phương án nào hữu hiệu, chính bởi thế nhiều đội bóng chọn giai đoạn nghỉ khi World Cup hay EURO bắt đầu cũng là lúc tập trung để rèn quân chuẩn bị cho các trận đấu phía trước.
Sau World Cup 2014, tỉ số các trận đấu ở V-League bỗng cao bất thường.Ăn ở tập trung và cấm hay hạn chế xem các trận đấu đêm, và đôi khi thu điện thoại, laptop,… là những hình thức phổ biến mà các đội bóng V-League làm đối với cầu thủ của mình nhân dịp những giải đấu lớn trên Thế giới diễn ra.
Tuy nhiên, việc hạn chế cũng chỉ là…hạn chế, bởi với điều kiện hiện tại các cầu thủ chẳng khó để không sắm cho mình vài chiếc điện thoại hay laptop để “giao lưu” với bên ngoài.
Bởi thế, nhiều đội bóng luôn cảm thấy “sợ hãi” khi EURO hay World Cup về cũng là dễ hiểu. Nhất là khi, sau mỗi giải đấu diễn ra chuyện cầu thủ mất tích hay thi đấu vô hồn…vì lo trả nợ chẳng phải chuyện hiếm ở V-League bao năm qua như thế.
Các đội bóng sợ, đến BTC V-League cũng ngán khi EURO, World Cup đi qua cũng là lúc giải đấu trở nên tưng bừng hơn bao giờ hết bằng những trận nhiều bàn thắng đến kinh ngạc.
Nhiều bàn thắng không phải vì giải đấu hấp dẫn, mà đơn giản giới trong nghề ai cũng hiểu: Đó là hệ lụy của EURO, World Cup và các trận đấu đó coi như “kiếm tiền” trả nợ mà thôi…
“Thực ra khó cấm, hay kiểm soát được cầu thủ mỗi mùa EURO hay World Cup lắm. Chỉ trông chờ vào sự chuyên nghiệp của họ thôi chứ chẳng có cách nào cả,” một HLV chia sẻ.
HLV này cũng nói thêm “mà ở bóng đá Việt Nam, chuyện chuyên nghiệp hay ý thức giữ gìn nghề nghiệp lại khó, và hiếm mới đáng buồn…”
Và khi điệp khúc “Em ơi mùa…banh đến rồi đó” cũng là lúc cả V-League hồi hộp chứ chẳng riêng gì những đội bóng đang tham dự giải đấu lớn ở trời Tây như thế…
Đăng lúc: 0:00 01/01/1970