Cristiano Ronaldo là một ngôi sao tầm cỡ của bóng đá thế giới, nhưng cái tôi quá lớn của cầu thủ người Bồ Đào Nha biến anh trở thành một kẻ ích kỷ trên sân cỏ.
Ronaldo tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Ảnh: Internet.“Tôi đang tạo ra lịch sử, và tiếp tục viết nên những chương mới trong lịch sử bóng đá.” Những ngôn từ được thoạt đầu tưởng rằng sẽ thuộc về một ai đó chơi môn thể thao cá nhân, thế nhưng không. Nó được Ronaldo thốt lên sau khi cùng Real vô địch Champions League hôm chủ nhật rồi. Sự ích kỷ của số 7 không lạ. Chỉ là càng ngày càng rõ hơn.
Điều Ronaldo quan tâm không phải khái niệm “La Undecima”, tức danh hiệu 11, mà là những chiếc cúp Champions League giành riêng cho mình. Như cây bút Toni Juanmarti của báo Sport, vốn thân Barca, bình luận thì siêu sao 31 tuổi là một kẻ tự cao và không hề quan tâm hay hứng thú với chủ nghĩa tập thể.
Từ Milan, Ronaldo thi đấu rất nhạt nhòa suốt 120 phút trận gặp Atletico. Song, chỉ với một quả penalty thực hiện thành công, Ronaldo đã hóa thân thành một người khác. Khoảnh khắc cựu sao MU xé áo để khoe thân hình mạnh mẽ, với bụng 6 múi trước hàng chục ngàn cổ động viên tại San Siro thể như bản thân là người hùng trận đấu.
Sự bùng nổ cảm xúc của anh có thể hiểu được. Song, điều đó không thể làm bóp méo một sự thật rằng, Ronaldo chỉ thắng được Jan Oblak trong khung thành trên chấm 11 mét. Còn danh hiệu Champions League, đó không phải chiếc cúp dành riêng cho anh, mà thuộc về cả tập thể đã chiến đấu như những người lính ngoan cường.
Nhìn lại năm 2008, thời điểm Ronaldo khoác áo MU, anh bỏ lỡ quả 11 mét khi đội nhà phân định thắng thua trên chấm phạt đền với Chelsea ở chung kết Champions League tại Nga. May cho CR7 vì cú trượt chân của John Terry đã giật lấy khoảnh khắc tội đồ và cúp vô địch về tay MU. Pha sút hỏng của Ronaldo bị quên lãng.
Ronaldo luôn biết cách tạo ra sự chú ý. Ảnh: Internet.Điều đó tạo cho siêu sao người Bồ Đào Nha cảm giác tự mãn. Anh cho mình là hạt nhân vũ trụ. Ronaldo cũng quá ảo tưởng về bản thân, với suy nghĩ nếu không phải chính mình thực hiện pha sút phạt đền thứ 5 thì Real chưa chắc thắng được Atletico. Từ trong sâu thẳm, Ronaldo luôn bị ám ảnh bởi thành tích cá nhân mà quên đi tập thể.
Rồi ngay cả lời “chém gió” sau trận đấu cũng cho thấy tiền đạo 31 tuổi quá tôn thờ bản thân. Anh nói mình thấy trước kịch bản mang cúp về cho Real. Hoặc, Ronaldo đã lầm bởi những điều anh nói từng thuộc về Cesc Fabregas ở bán kết EURO 2012. Cầu thủ người Tây Ban Nha đã xin HLV Vicente del Bosque thực hiện loạt sút thứ 5 khi chạm trán Bồ Đào Nha.
Nhưng Ronaldo là như vậy. Anh không chấp nhận thất thế trước bất kỳ đối thủ nào. Ngay cả khi biến mất suốt 120 phút gặp Atletico, số 7 bằng cách này hoặc cách khác phải tạo ra sự chú ý. Ronaldo cho mình là nhất, thiên tài của những khoảnh khắc lớn, mặc cho màn trình diễn từ San Siro càng khẳng định cho câu nói, “Ronaldo chỉ là cầu thủ nhỏ của trận cầu lớn.”
Với Ronaldo, anh thích những danh hiệu cá nhân, là của riêng mình. Ảnh: Internet.Chính sự yêu chính mình đã khiến Ronaldo luôn xem bản thân như vị thần. Nhưng, là người ích kỷ. Mùa này, tam tấu “MSN”, với Lionel Messi, Luis Suarez và Neymar, cùng chụp chung tấm ảnh giành cúp Nhà vua trên sân Calderon. Còn Ronaldo, anh đăng hình bản thân bên danh hiệu Champions League, và giơ ba ngón tay. Biểu hiện ba chiếc cúp của riêng mình.
Các đồng đội ở Real biết điều đó, nhưng vẫn phải chịu đựng. Hãy hỏi Gareth Bale về số lần phải nhận những tiếng càm ràm và chau mày từ Ronaldo vì không chịu kiến tạo cho mình. Và Benzema. Có ai thấy Ronaldo ăn mừng khoảnh khắc Sergio Ramos hồi sinh Real từ cõi chết trên đất Lisbon (Bồ Đào Nha) cách đây hai năm. Hiển nhiên là không.
Ronaldo cũng không bao giờ chấp nhận bản thân chơi tồi, luôn tìm cách đổ lỗi cho vận rủi. Điều này trái ngược với Lionel Messi. Trong bài viết trên Eurosport, Graham Ruthven so sánh số bàn thắng, truyền thông và các hoạt động ngoài sân cỏ của Ronaldo nhỉnh hơn Messi. Còn màn trình diễn tác động tới cả đội và thành công chung cuộc, Messi đứng trên Ronaldo.
Điều đó cho thấy CR7 luôn bị ám ảnh bởi đỉnh cao danh vọng, một sự độc tôn trong làng bóng đá. Với Messi, anh sử dụng nguồn năng lượng vốn có để truyền vào các đồng đội và cùng nhau đi lên. Một người hiện thân cho chủ nghĩa cá nhân, còn người còn mang dáng dấp thủ lĩnh tập thể. Đó cũng là hai khái niệm đơn giản để hiểu những gì tồn tại trong bóng đá. Và cả cuộc sống.
Đăng lúc: 18:05 31/05/2016