Nếu không nói đến chuyện tiền bạc thì hành trình đi đến chức vô địch Premier League mùa giải này có hình bóng của Chelsea – nhà vô địch mùa giải trước…
Chưa bao giờ trong lịch sử 24 năm của giải bóng đá Ngoại hạng Anh, một đội bóng có nguy cơ phải xuống hạng lại trở thành ứng viên lớn nhất cho việc nâng cao chức vô địc vào tháng 5. Khi mà tất cả đã quá quen thuộc với những cái tên thay phiên nhau thống trị xứ sở sương mù thì The Foxes có thể trở thành nhà vô địch mới kể từ lần Nottingham Forest làm được vào năm 1978.Đáng nói là, trong thời đại kim tiền, Leicester lại chứng minh điều ngược lại về giá trị truyền thống. Họ sở hữu tiền đạo tốt nhất của mình cùng cầu thủ sáng tạo nhất, Jamie Vardy và Riyad Mahrez, với tổng chi phí chỉ là 1,45 triệu bảng. Trong khi đó, HLV Claudio Ranieri đã sử dụng lại đội hình 4-4-2 truyền thống của người Anh khi chiến thuật này tưởng như đã là “đồ cổ”.
Nhưng vấn đề ở đây là, ngoại trừ vấn đề tiền bạc, Leicester đã và đang đi trên một hành trình rất giống với Chelsea thời điểm họ vô địch Premier League 2014/15. Họ khác nhau ở cả yếu tố con người, từ vị trí HLV của Ranieri với Jose Mourinho cho đến sự khác biệt về những ngôi sao trong đội hình.
Chelsea sở hữu nhà vô địch World Cup, Cesc Fabregas, và 8 cầu thủ từng vào đến chung kết Champions League. Đội hình chính của Leicester có 2 cầu thủ người Anh chưa từng khoác áo ĐTQG. Thực ra là nhiều hơn cho đến khi Danny Drinkwater được tung vào sân ở trận đá với Hà Lan hôm thứ Ba.
Nếu như đội hình của Chelsea mùa giải này có giá trị hơn 300 triệu bảng thì Ranieri chỉ sở hữu dàn cầu thủ mà giá trị cộng lại chỉ vẻn vẹn 22 triệu bảng. 2 bản hợp đồng quan trọng mà Mourinho từng thực hiện là Fabregas và Diego Costa, lần lượt từ Barcelona, Atletico Madrid, thì ngược lại Leicester “săn” được Mahrez và Vardy từ giải hạng Nhì ở Pháp và giải nghiệp dư.
Điểm giống nhau của họ là gì? Cả 2 đều rất khó bị khuất phục. Chelsea chỉ thua 3 trận trong cả mùa giải trước, còn đến lúc này, Những chú Cáo cũng chỉ mới thua bằng con số đó sau 31 vòng. Họ phụ thuộc khá nhiều vào các tiền vệ phòng ngự như Nemanja Matic hay N’Golo Kante, và các trung vệ dày dạn kinh nghiệm như John Terry hay Wes Morgan.
Bất chấp điều đó, mùa giải của họ bắt đầu bằng rất nhiều bàn thắng. Đội hình của Mourinho vốn là chuyên gia về những trận thắng tối thiểu nhưng lại ghi đến 15 bàn/4 trận đầu mùa. Với Leicester mùa này, họ ghi 37 bàn/17 trận. Và để rồi, giai đoạn cuối mùa lại là sự khan hiếm bàn thắng mà Leicester chỉ có 17 bàn/14 trận gần đây. Với Chelsea mùa trước là 22 bàn/16 trận cuối.
Điểm trùng hợp khác, họ đều tạo ra bước ngoặt cho mình sau một trận thua đến 5 lần thủng lưới trước các đội bóng Bắc London. Chelsea thua Tottenham 3-5 ở ngày đầu năm 2015 để buộc Mourinho phải rào chắn khung thành kỹ hơn. Với Leicester, thất bại 2-5 trước Arsenal hồi tháng 9 đã kéo theo những thay đổi của Ranieri ở 2 vị trí hậu vệ cánh – Christian Fuchs và Danny Simpson thay cho Jeffrey Schlupp – Ritchie de Laet. Kể từ đó, hàng thủ được cải thiện đáng kể với cả 2 đội.
Giai đoạn lượt đi chứng kiến 2 đội có nhiều trận thắng ghi nhiều bàn thắng hơn, còn sau đó, việc giữ sạch lưới là quan trọng hơn. Leicester có 9/13 trận gần đây không thủng lưới kể từ sau trận thua ở White Hart Lane, còn Chelsea vững vàng ở 8/14 trận.
Ở phía trên, họ đều phụ thuộc vào các tiền đạo có hiệu suất cao: Costa ghi 7 bàn/4 trận, trong khi Vardy lập kỷ lục ghi bàn liên tiếp ở 11 trận.
Những sức ép ở giai đoạn lượt về cũng cho thấy, 2 đội sở hữu các cầu thủ biết xuất hiện đúng lúc quan trọng. Trong 7 trận thắng gần đây của Leicester, những người ghi bàn là Drinkwater, Vardy, Robert Huth, Leonardo Ulloa, Mahrez, Shinji Okazaki và lại là Mahrez. Tương tự như vậy, Chelsea có những bàn quan trọng của Oscar, Branislav Ivanovic, Willian, Eden Hazard, Loic Remy, Remy lần nữa và Fabregas.
Leicester có bàn thắng ở phút 89 của Ulloa trận gặp Norwich, giống như Willian ghi bàn cho Chelsea trước Everton. Và trong khi Ulloa hay Remy được nhấn mạnh là các chân sút dự phòng thì cả 2 đội đều sở hữu các hậu vệ có khả năng ghi bàn. Ivanovic ghi 4 bàn trong 6 trận vào tháng 1 và 2/2015. Huth lập công ở 3/5 trận 1 năm sau đó – có 1 bàn ở White Hart Lane và 1 bàn khác quyết định chiến thắng trước Manchester City.
Chưa hết, 2 đội cùng sở hữu các cầu thủ chạy cánh rất quan trọng, với Hazard ở Chelsea và Leicester có Mahrez – cầu thủ được cho là sẽ tiếp nối tiền vệ người Bỉ giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất. Với họ, 2 đội bóng có được người giải quyết tình thế mỗi khi Costa, Fabregas hay Vardy ở vào giai đoạn ngắt quãng về bàn thắng. Trong 9 trận gần đây, khi hiệu suất ghi bàn của Leicester xuống thấp, Mahrez đã ghi 3 bàn và có 4 đường chuyền kiến tạo. Ở Hazard năm ngoái, họ ghi 4 bàn và kiến tạo 3 lần trong 7 trận. Trong giai đoạn đó, anh đóng góp 70% số bàn thắng của Chelsea.
Điểm đáng ghi nhớ rằng, cầu thủ người Algeria đã vượt qua thành tích của Hazard – ghi 14 bàn, kiến tạo 9 bàn ở mùa trước, với 16 bàn và 11 lần kiến tạo khi mùa giải vẫn còn 7 vòng đấu.
Chính sách xoay vòng cũng là một yếu tố tương đồng. Năm ngoái, đội hình của Mourinho có 11 câu thủ ra sân từ 28 trận trở lên, 8 trong số đó đá ít nhất 32 trận. Năm nay, Leicester đang có 9 cầu thủ đá ít nhất là 29 trong số 31 trận đã qua của họ.
Thêm một yếu tố khác, ngay cả khi có sự bổ sung đội hình trong tháng 1 thì 2 HLV cũng đều không muốn phá vỡ kết cấu đã đem lại thành công cho đội. Với Chelsea, Juan Cuadrado chỉ có 4 trận đá chính, nhiều hơn 3 trận so với cả Daniel Amartey và Demarai Gray cộng lại ở mùa giải này. Dù có biệt danh là Gã thợ hàn thì mùa này, Ranieri chỉ gắn bó với công thức chiến thắng đang có.
Điểm chung cuối cùng, nếu Leicester vô địch, họ cũng có cùng màu áo với The Blues. Rõ ràng là “xác Cáo, hồn Sư tử”!
Đăng lúc: 0:00 01/01/1970